Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

SINH VIÊN KHOA KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, TRƯỜNG KINH TẾ CSE THAM GIA

HỌC PHẦN KIẾN TẬP HỌC KỲ 2, NĂM HỌC 2022–2023

 

       Vừa qua, sinh viên Khoa Kinh tế nông nghiệp (Trường Kinh tế CSE) đã tham gia học phần Kiến tập ngành tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Lâm Đồng.

       Học phần Kiến tập nhằm mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp có cơ hội học tập và trải nghiệm các mô hình sản xuất, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, tạo cơ hội gắn kết lý thuyết với thực tiễn, mở rộng hiểu biết về kiến thức thực tế, học hỏi kinh nghiệm và các kỹ năng sống. Khoa Kinh tế nông nghiệp (Trường Kinh tế CSE) đã triển khai môn học Kiến tập vào học kỳ 2, năm học 2022 – 2023 cho sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp.

       Chuyến khởi hành thứ nhứt diễn ra ngày 6 tháng 5 năm 2023 đưa 44 sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp di chuyển về tỉnh Kiên Giang bắt đầu ngày kiến tập.

       Tham gia dẫn đoàn là Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng Khoa Kinh tế nông nghiệp và các thầy cô của Khoa. Đón tiếp đoàn có Ông Lê Quốc Việt, Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) và một số cán bộ địa phương tại huyện Châu Thành.

       Đầu tiên, đoàn ghé tham quan mô hình sinh thái ba tầng khóm cau dừa tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và nhà máy chế biến sản phẩm từ khóm. Đây là mô hình kinh tế ba tầng sinh thái gồm ba cây trồng là dừa, cau, khóm (dứa) được đánh giá là độc đáo, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích. Mô hình này đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với những vùng trồng lúa vì nhờ trồng xen canh nên người dân không phải chịu cảnh thua lỗ khi giá xuống thấp, vì mất loại này còn có loại khác bù lại.

 

Đoàn kiến tập chụp hình với Ông Lê Quốc Việt, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang)

       Sau đó, đoàn di chuyển đến tham quan hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay về quy mô, khẩu độ thông nước, có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, nước ngọt, và nước lợ tạo điều kiện sản xuất cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau. Công trình thường được báo chí Việt Nam gọi tên là "siêu cống" và do người Việt Nam thiết kế, thi công, và quản lý.

 

Sinh viên đoàn kiến tập chăm chú lắng nghe cán bộ địa phương trình bày về quy mô và công năng của hệ thống thủy lợi

 

Cống Cái Lớn, Kiên Giang

       Cùng ngày, đoàn đã di chuyển đến Cảng Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Cảng hiện đã được quy hoạch với quy mô lớn hơn, là cảng cá có diện tích khoảng 30,69 ha, dự kiến mỗi ngày đón khoảng 500 chiếc/2.000CV, sản lượng thủy hải sản qua cảng khoảng 250.000 tấn/năm.

 

Đoàn kiến tập chụp ảnh lưu niệm tại cảng cá

       Sau đó, đoàn di chuyển đến Trang trại Lúa mùa Tư Việt tại thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.  Nơi đây có trưng bày sản phẩm gạo lúa mùa thơm ngon, và lưu giữ nhiều nông cụ đậm nét nông dân Nam Bộ xưa. Điểm ấn tượng nhất là khoảng đất sau hè với những ô vuông gieo cấy đủ loại giống lúa mùa – có giống lúa mới trổ bông, có giống lúa trổ chín vàng rực, đây được xem là mô hình nông nghiệp độc đáo tại tỉnh Kiên Giang với khoảng 40 giống lúa mùa được lưu trữ.

 

Sinh viên đoàn kiến tập chăm chú lắng nghe chia sẻ về mô hình tại trang trại lúa mùa Tư Việt

 

Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng khoa Kinh tế nông nghiệp trao quà lưu niệm cho Ông Lê Quốc Việt tại trang trại

--------------------------------------------

       Cũng trong học kỳ 2 năm học 2022–2023, từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2023, 31 sinh viên Nhóm 2 Khoa Kinh tế nông nghiệp Trường Kinh tế CSE đã thực hiện học phần kiến tập tại tỉnh Lâm Đồng. Tham gia dẫn đoàn gồm có Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng Khoa và các Thầy Cô Khoa Kinh tế nông nghiệp. Đón tiếp và hướng dẫn đoàn có Ts. Nguyễn Thị Tươi – Giảng viên đại học Đà Lạt và hai cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

       Ngày đầu tiên, đoàn xuất phát đi tham quan Công ty trà Long Đỉnh. Tại đây đoàn đã được giới thiệu về lịch sử về trà, quy trình kỹ thuật canh tác và chăm sóc theo hướng hữu cơ, quy trình chế biến và thưởng thức trà.

 

Đoàn kiến tập check-in tại Công ty trà Long Đỉnh và bắt đầu tham quan mô hình canh tác, chăm sóc và chế biến trà

       Tiếp sau đó, đoàn đã tham quan Demo Farm của Công ty Langbiang Farm và nghe giới thiệu về sự hình thành phát triển, chiến lược kinh doanh, xuất khẩu rau hoa của công ty, tham quan, check-in mô hình thủy canh dâu tây, phúc bồn tử, cà chua bi, và bí khổng lồ.

 

Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH LangBiang Farm giới thiệu về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Công ty

 

Đoàn kiến tập tham quan mô hình thủy canh tại Công ty Langbiang Farm

       Thú vị hơn cả, đoàn đã có cơ hội tham quan Trường Đại học Đà Lạt với các phòng thí nghiệm nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, phòng trưng bày côn trùng sưu tập các loại bướm, và các mô hình sản xuất nhà kính nhà lưới tại đây.

 

Đoàn tham quan và nghe giới thiệu tại phòng sưu tập côn trùng tại Trường Đại học Đà Lạt

 

Đoàn kiến tập chụp hình tập thể tại Trường Đại học Đà Lạt

       Ngày kế tiếp, Đoàn đã được cán bộ phòng Nông nghiệp hướng dẫn tham quan mô hình trồng hoa của nông hộ tại Làng hoa Vạn Thành. Làng hoa này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng chọn hỗ trợ phát triển theo mô hình chuỗi liên kết đến năm 2020 và đã triển khai kế hoạch sản xuất đa dạng các loại hoa gắn với thị trường tiêu thụ.

 

Đoàn kiến tập tham quan và chụp hình tại một nhà lưới thuộc HTX Vạn Thành

       Chiều cùng ngày, đoàn đã xuất phát đi qua Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, nghe báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn về tình hình phát triển Kinh tế trang trại, kinh tế HTX và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Với những kinh nghiệm thực tế quản lý tại địa phương, cán bộ Sở đã chia sẻ nhiều bài học sâu sắc về các chương trình phát triển nông nghiệp tại địa phương nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Đây là những bài học thực tiễn quý báu nhằm gắn kết kiến thức lý thuyết và thực tiễn cho sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp.

 

Đoàn kiến tập lắng nghe cán bộ Sở Nông nghiệp trình bày về tình hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế HTX và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng

 

Pgs. Ts. Phạm Lê Thông trao quà lưu niệm cho cán bộ Sở Nông nghiệp tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng

       Cuối cùng, đoàn đã tham quan và học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt, đây là HTX đã có bước đi đột phá về liên kết sản xuất các loại rau VietGAP Đà Lạt với quy trình khép kín đầu vào – đầu ra. Hiện Hợp tác xã liên kết với hơn 121 thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất. Sản phẩm hiện nay của Hợp tác xã hiện được cung ứng cho 200 cửa hàng liên kết sản xuất, phân phối độc quyền thương hiệu rau củ quả Đà Lạt và đặc sản các vùng miền trên 35 tỉnh thành.

 

Đoàn kiến tập lắng nghe cán bộ Sở Nông nghiệp và HTX SunFood giới thiệu mô hình rau thủy canh

 

Đoàn kiến tập chụp hình lưu niệm với Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sunfood Đà Lạt

       Thông qua 2 đợt kiến tập lần này, sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp đã được quan sát hoạt động của các công ty, doanh nghiệp, trang trại, các mô hình sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm quản lý của cán bộ địa phương. Sinh viên đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc đổi mới, kiến tạo trong các mô hình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp ở các địa phương. Từ đó, sinh viên với vai trò là người học nắm vững hơn các kiến thức, hiểu rõ hơn và biết cách áp dụng kiến thức đó trong thực tiễn, mở ra cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân hơn trong tương lai. 

Chiêu sinh các khóa ngắn hạn

Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

Số lượt truy cập

9628174

TRƯỜNG KINH TẾ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3838831. Fax: 0292.3839168
Email: tkt@ctu.edu.vn